Sự nghiệp Thượng Quan Uyển Nhi

Phụ tá Võ Tắc Thiên

Năm Nghi Phụng thứ 2 (677), Võ hậu triệu kiến Uyển Nhi, lúc này mới 13 tuổi, ra đề mục khó khăn bắt bà giải đáp. Uyển Nhi viết trôi chảy, chỉ trong giây lát đã hoàn thành, ngôn từ phong phú, hành văn hoa lệ, khiến Võ Hậu xem xong liền ban lệnh xóa bỏ thân phận nô tỳ, giao cho việc soạn thảo chiếu thư trong cung. Căn cứ mộ chí của bà, lúc năm 13 tuổi bà trở thành Tài nhân, hẳn là vì Võ hậu đã xóa bỏ thân phận nô lệ cho nên mới ban danh phận chính thức[6]. Từ đó, Thượng Quan Uyển Nhi trở thành tâm phúc của Võ hậu, lúc nào cũng theo hầu và đảm nhận trọng trách soạn chiếu thư, ban bố mệnh lệnh từ Võ hậu.

Năm 690, Võ hậu xưng làm Hoàng đế, cướp ngôi nhà Đường, lập ra nhà Võ Chu, đặt niên hiệu Thiên Thụ (天授), trở thành vị Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Thượng Quan Uyển Nhi được ban làm Nội xá nhân (内舍人), trở thành tâm phúc và là người được tín nhiệm nhất của Nữ hoàng đế.

Tuy nhiên, trong thời gian này, Uyển Nhi lại nghịch ý chỉ, phạm phải tội tử hình, nhưng Võ Tắc Thiên tiếc nuối tài năng của bà, đặc biệt ân xá, chỉ cho người khắc chữ lên mặt. Về sau, Uyển Nhi đã khắc phục vết khắc đó bằng cách vẽ thêm bông hoa trên trán, và bông hoa này lại càng khiến bà quyến rũ hơn, các phụ nữ quý tộc thấy thế và bắt chước theo, tạo nên phong cách trang trí đặc trưng của phụ nữ quý tộc nhà Đường[7]. Từ năm Thánh Lịch (698), Uyển Nhi được Võ Tắc thiên giao hoàn toàn trọng trách xử lý tấu chương, tham quyết chính vụ, do đó Uyển Nhi dần có quyền thế bậc nhất triều đình, trở thành nhân vật chính trị quan trọng[8][9][10].

Đường Trung Tông phi tần

Niên hiệu Thần Long (705), Trương Giản Chi ủng hộ Lý Hiển phát động Thần Long chính biến (唐隆之变), bắt Võ Tắc Thiên thoái vị, phục ngôi cho Đường Trung Tông. Sau cuộc binh biến này, Đường Trung Tông hiểu rõ sắc đẹp và tài năng của Uyển Nhi nên rất sủng ái, phong làm [Chiêu dung; 昭容], tiếp tục cai quản mảng soạn thảo văn tịch trong cung[7].

Ở trong cung, Thượng Quan Uyển Nhi thường xuyên đi lại với Vi hoàng hậu cùng con gái là An Lạc công chúa, và còn chia sẻ một tình nhân chung với Vi hậu là Võ Tam Tư - một người cháu của Võ Tắc Thiên. Dưới ảnh hưởng của Uyển Nhi, Trung Tông cùng Vi hậu quyết định sửa chữa chế độ phục dịch, lại vận động triều đình quan chức dâng tôn hiệu cho Trung Tông là [Ứng Thiên; 应天], Vi hậu là [Thuận Thiên; 顺天], cả Đế-Hậu cùng có quyền lâm triều nghe chính như Nhị Thánh khi trước. Bên cạnh đó, Uyển Nhi vẫn duy trì chức Chiêu dung trong hoàng cung, lại vừa giữ nhiệm vụ soạn thảo chiếu thư cùng tuyển tập văn thơ như thời Võ Tắc Thiên, có thể thấy Uyển Nhi đã đạt một sự nghiệp chưa từng có với một phi tần bình thường[11][12][13].

Năm Cảnh Long nguyên niên (707), cho rằng Thượng Quan Chiêu dung cấu kết Vi hậu, nâng đỡ An Lạc công chúa lên làm Hoàng thái nữ để kế thừa Hoàng vị, Thái tử Lý Trọng Tuấn giả mạo ý chỉ của Trung Tông, phát động Vũ lâm quân giết chết Võ Tam Tư, sau đó dẫn binh vào hoàng cung lùng bắt Vi hậu, Thượng Quan Uyển Nhi cùng An Lạc công chúa. Uyển Nhi hớt hải đến trước Trung Tông, nói:"Xem ý tứ của Thái tử, là trước hết giết Thượng Quan Uyển Nhi, sau đó lần theo thứ tự trói bắt Hoàng hậu cùng Bệ hạ!", sau đó Uyển Nhi hiến kế khuyên Trung Tông đến Huyền Vũ môn, chiếm được vị trí thuận lợi rồi phái binh vây bắt Thái tử. Nghe theo lời Uyển Nhi, Đường Trung Tông dẫn binh chặn cửa thành, xua quân đánh nhau với quân của Thái tử. Lý Trọng Tuấn thất bại, bị giết chết[14]. Thế nhưng theo mộ chí của bà ghi lại, Thượng Quan Uyển Nhi từng ba lần bốn lượt khuyên gián Đường Trung Tông, phản đối việc lập An Lạc công chúa làm Hoàng thái nữ, thậm chí vì khuyên giải mà muốn xin từ quan, cạo đầu làm ni, đều không được Trung Tông chấp nhận. Cuối cùng bà lấy cái chết can gián. Sau khi uống thuốc độc, nhờ thái y vội vàng chữa trị mới có thể giữ được mạng[15].

Trước khi binh biến Lý Trọng Tuấn xảy ra, biểu đệ của Uyển Nhi là Vương Dục thấy Uyển Nhi giao du với Võ thị cùng Vi hậu, lo lắng tai họa sẽ ập xuống với Thượng Quan gia, nên có khuyên mẹ của Uyển Nhi là Trịnh phu nhân, hết lời can gián Uyển Nhi. Ban đầu, bà để ngoài tai, nhưng sau sự kiện Lý Trọng Tuấn thì bà bắt đầu để ý đến việc lôi kéo gia tộc họ Lý hơn[16].

Nhờ được lòng Trung Tông và Vi hậu, cuối cùng Thượng Quan Uyển Nhi cũng lật lại được vụ án sai của gia tộc. Ông nội Thượng Quan Nghi được truy tặng Trung thư lệnh, Đô đốc Tần Châu cùng tước Sở Quốc công (楚國公), cha bà Đình Chi được truy tặng danh hiệu Hoàng môn thị lan, Thứ sử Kỳ Châu cùng tước Thiên Thủy quận công (天水郡公), mẹ Trịnh thị phong làm Phái quốc phu nhân (沛國夫人). Từ đó, Uyển Nhi thường xuyên khuyên giải Trung Tông, khuyên Hoàng đế mở rộng Thư quán, chuyên quản việc học trong triều, thường xuyên chiêu mộ các văn tài học sĩ, làm giám khảo trong các kỳ thi. Triều đình trong ngoài, ngâm thơ làm phú, theo thành phong trào. Thượng Quan Uyển Nhi còn đam mê sưu tầm thơ họa. Bộ sưu tầm của bà hơn 10.000 cuốn, ướp hương thơm ngát. Trăm năm sau, bộ sưu tầm này dần lưu lạc trong dân gian, nhưng mùi hương vẫn thoang thoảng lưu truyền[17]. Đang lúc đỉnh cao quyền lực, mẹ Uyển Nhi là Trịnh thị qua đời, đặc biệt được truy tặng làm Tiết Nghĩa phu nhân (節義夫人). Để biểu lộ lòng hiếu, Uyển Nhi tự ăn năng, xin Trung Tông giáng vị làm Tiệp dư, lấy kỳ ai điếu, không lâu sau khôi phục.